Tính thanh khoản là việc bạn có thể dễ dàng bán tài sản hoặc 1 khoản đầu tư ở mức giá hợp lý với thị trường.
Một số khái niệm cơ bản
Tài sản có tính thanh khoản nếu chúng quy đổi thành tiền mặt:
- Dễ dàng và nhanh chóng
- Chi phí giao dịch ít hoặc gần như không có
- Với giá trị thị trường hợp lý
Đánh giá tính thanh khoản như thế nào
Nói chung, tính thanh khoản của tài sản hoặc một khoản đầu tư cao khi:
- Nhiều người sẵn sàng mua nó
- Dễ dàng để tìm ra giá trị của nó
- Dễ dàng để chuyển quyền sở hữu từ người này sang người khác
- Mặt hàng hoặc khoản đầu tư có tính đồng bộ tiêu chuẩn
Ví dụ, cổ phiếu Hoà Phát (HPG) có tính thanh khoản cao vì rất dễ mua và bán, rất nhiều người muốn sở hữu nó với mức giá phù hợp và bạn có thể tìm ra giá trị của nó bằng cách xem giá hiện tại của nó trên thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, công ty có hàng triệu cổ phiếu đang lưu hành, vì vậy nó không phải là duy nhất.
Ngược lại, một căn chung cư hạng sang được thiết kế riêng không có tính thanh khoản cao vì có thể chỉ có một số người mua quan tâm, thật khó để thống nhất chính xác giá trị của nó và quá trình chuyển nhượng có thể mất nhiều thời gian.
Tính thanh khoản một số loại tài sản
Tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất vì bạn có thể dễ dàng biến nó thành các tài sản khác.
Những khoản đầu tư “tương đương tiền mặt”, như tài khoản và quỹ trên thị trường tiền tệ, tài khoản tiết kiệm và một số loại đầu tư “nợ” rất ngắn hạn cũng có tính thanh khoản cao.
Các ví dụ khác về tài sản có tính thanh khoản cao và kém thanh khoản:
- Thanh khoản cao: Cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, quỹ ETFs…
- Kém thanh khoản: Bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ…
Tại sao thanh khoản quan trọng?
Mặc dù không có gì sai khi nắm giữ các tài sản kém thanh khoản, nhưng việc có ít nhất một số tài sản hoặc khoản đầu tư có tính thanh khoản cao là đặc biệt quan trọng đối với cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức:
- Luôn cần 1 số tài sản có tính thanh khoản cao cho các chi phí thường niên hoặc chi phí đột xuất . Nếu toàn bộ tài sản của bạn đều là bất động sản, bạn sẽ khó bán nhanh với giá tốt để trang trải cho việc chi trả những rủi ro trong tài chính hay tham gia đầu tư khi cơ hội tới.
- Các tổ chức luôn cần thanh khoản để trang trải các chi phí ngắn hạn và để cung cấp sự ổn định tài chính. Nếu một cuộc suy thoái kinh tế đột ngột làm ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của công ty, thì việc có đủ thanh khoản có thể giúp tổ chức vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chính vì vậy, tính thanh khoản của một tài sản hay một khoản đầu tư là chìa khoá quyết định việc phân bổ danh mục đầu tư.
Key takeaways
- Tính thanh khoản đề cập đến việc bạn có thể bán 1 tài sản hoặc 1 khoản đầu tư với giá hợp lý nhanh chóng và dễ dàng như thế nào.
- Tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất; cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ và ETFs cũng có tính thanh khoản cao. Nhà cửa, bộ sưu tập tiền xu và tác phẩm nghệ thuật không có tính thanh khoản cao vì phải mất thời gian để tìm được người mua sẵn sàng trả giá tốt.
- Mặc dù sở hữu một số tài sản kém thanh khoản cũng không sao, nhưng bạn nên cân đối chúng với những tài sản có tính thanh khoản cao mà bạn có thể bán nếu cần tiền mặt nhanh chóng.
——————————————-